Luật sư bào chữa VAHS có phải xin giấy chứng nhận người bào chữa không?
Trước đây, Luật sư khi nhận được giấy yêu cầu luật sư bào chữa thì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo quy định tại Điều 5 Thông tư 70/2011/TT-BCA:
Tại Điểm b Khoản 2 Điều này quy định về việc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa: Luật sư làm việc trực tiếp đến Cơ quan điều tra đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa và nộp các giấy tờ liên quan thì Điều tra viên, cán bộ được phân công tiếp nhận và kiểm tra, nếu thấy thiếu hoặc thủ tục chưa đúng thì hướng dẫn ngay cho họ sửa đổi, bổ sung. Nếu đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này thì viết giấy biên nhận về việc đã nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa, trong đó hẹn rõ thời gian đến nhận giấy chứng nhận người bào chữa hoặc văn bản từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Tại Khoản 1 Điều này quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa đối với luật sư, bao gồm:
- Thẻ luật sư ( bản sao có chứng thực);
- Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa); hoặc giấy yêu cầu luật sư của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can (đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất);
- Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư ( đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân);
- Văn bản phân công của đoàn luật sư đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Thông tư 70/2011/TT-BCA quy định về xem xét cấp giấy chứng nhận người bào chữa như sau:
Điều tra viên, cán bộ được phân công sau khi tiếp nhận đủ các giấy tờ liên quan đến việc đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa phải khẩn trương nghiên cứu, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan để xác định có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận người bào chữa hay không (trong đó cần chú ý quy định tại các khoản 2,3 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự). Trong thời hạn 03 (ba) ngày (hoặc trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ đối với trường hợp tạm giữ người) kể từ khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa, nếu từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì phải có văn bản, trong đó nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Theo đó, trong thời hạn 03 ngày hoặc trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ đối với trường hợp tạm giữ người kể từ khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ thì Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa.
Như vậy, luật sư được nhờ bào chữa phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Tuy nhiên, theo quy định Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực kể từ 01/07/2016 thì đã bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, theo đó: Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ tương ứng với từng loại đối tượng tham gia bào chữa: Luật sư xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện hoặc của người thân thích của người bị buộc tội.
Như vậy, luật sư được nhờ bào chữa đối với vụ án hình sự hiện nay không cần phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa nữa, mà chỉ tiến hành thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật