Chúng tôi là những công dân đang sinh sống và công tác tại ấp 4, ấp 5 xã Thanh Sơn - Tỉnh Đồng Nai , Chúng tôi hiểu rất rõ về điều kiện , địa lí và những khó khăn của ấp mình . Chúng tôi vừa nhận được quyết định số 2044 SNV - TCBC về việc tạm dừng chi trả chế độ chính sách đối với CBCCVC tại các ấp đặc biệt khó khăn . Trong đó nêu rõ ngày 19/9/2013, Uỷ Ban Dân tộc đã ban hành quyết định số 447/QĐ-UBDT công nhận thôn đặc biệt khó khăn , xã khu vực I,II,III thuộc vùng Dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 , trong đó danh sách công nhận tỉnh Đồng Nai chỉ còn 2 ấp ( ấp 3 và ấp 7 xã Thanh Sơn huyện Định Quán ) Tiếp đến , ngày 16/10/2013 , Sở Nội Vụ đã làm việc với đại diện ban Dân Tộc cũng xác định hiện nay tỉnh Đồng Nai chỉ còn 2 ấp đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên , Điều 3 , Quyết định số 447/QĐ-UBD ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc lại không quy định thay thế Quyết định số 01/2008/QĐ-UBD ngày 11/01/2008 của Ủy ban Dân tộc ( công nhận tỉnh Đồng Nai có 70 ấp đặc biệt khó khăn). Để thông nhất việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ , công chức , viên chức trên địa bàn , ngày 17/10/2013 , Sở Nội Vụ đã có văn bản báo cáo , xin ý kiến UBDT xác định chính xác số lượng ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn và tránh khó khăn khi phải thu hồi, Sở Nội Vụ đề nghị các đơn vị , địa phương TẠM DỪNG chi trả chế độ chính sách cho CBCCVC liên quan đến địa bàn khó khăn đối với 68 ấp còn lại( Trừ ấp 3 và ấp 7 Thanh Sơn - huyện Định Quán ) . Quả thật khi nhận được quyết định trên tôi cũng như mọi người dân và các bạn đồng nghiệp ( Cơ sở đóng tại ấp 3 ) đang công tác trên địa bàn ấp 4, ấp 5 xã Thanh Sơn đều quá bức xúc cho điều kiện thực tế của từng ấp là quá khó khăn và thiếu thốn.... thế mà lại được thoát nghèo ? Báo cáo thoát nghèo thì ấp trưởng muốn có thành tích nên báo lên xã, xã hỏi thông tin từ ấp trưởng rồi báo lên huyện , huyện báo lên tỉnh .... Còn chúng tôi là những người dân , CBCCVC lại hoàn toàn không biết là ấp của mình vì lí do gì mà được vượt nghèo và thực tế đã vượt nghèo hay chưa ? Vậy đề nghị Sở Nội Vụ cho chúng tôi biết TIÊU CHÍ CỦA ẤP VƯỢT NGHÈO, ẤP VƯỢT KHÓ KHĂN là những tiêu chí nào để chúng tôi được rõ ? Riêng bản thân thì tôi thiết nghĩ muốn xác định được xã Thanh Sơn có bao nhiêu ấp thuộc ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN xin hãy thực tế đến từng nhà dân của các ấp 4, ấp 5 sẽ rõ về điều kiện kinh tế , địa lí .... ( Xin vào các nhà cách xa mặt đường ) . Chúng tôi đang hưởng chế độ theo nghị định 116 của chính phủ nên đã có rất nhiều bạn trẻ có trình độ tình nguyện về cơ sở công tác, thúc đẩy ý chí vượt qua mọi gian khó , chưa kể có những người rời xa quê hương để hi vọng sẽ được vận dụng những kiến thức của mình phục vụ cho đất nước. Nhưng nay quy định này ban hành ra làm cho 40 CBCCVC đang công tác trên địa bàn ấp 4, ấp 5 quá hụt hẫng và chán nản... mất hết ý chí . Hiện nay , HS đã bị cắt tiền hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn , nay lai đến CBCCVC bị tạm dừng chế độ chính sách ... Liệu tới đây có còn học sinh đến trường ? Liệu năm học tới đây có bị có co lớp ? Liệu còn bao nhiêu người có trình độ tình nguyện về làm cơ sở ? Liệu công chức đã tuyển dụng có còn nhiệt tình với công việc hiện có? Liệu như vậy đã tập trung cho việc đẩy mạnh nền giáo dục hay chưa ? Rất mong được trả lời sớm . Ngô Thị Thủy (Ngô Thị Thủy)
Thứ nhất, để xác định các ấp đặc biệt khó khăn, các cơ quan có thẩm quyền đang căn cứ vào các quy định sau: + Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2012 – 2015.
+ Thông tư số 01/2012/TT-UBDT ngày 24/10/2012 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2012 – 2015.
Theo đó, đối với Trung ương thì Ủy ban Dân tộc là cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận các ấp đặc biệt khó khăn theo quy định và tại tỉnh thì Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh triển khai, thực hiện nội dung xác định các ấp đặc biệt khó khăn, không phải Sở Nội vụ tham mưu như nội dung đề nghị trả lời của quý bạn đọc. Do vậy, trường hợp còn có thắc mắc liên quan đến vấn đề xác định tiêu chí ấp đặc biệt khó khăn, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai để được giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về từng tiêu chí.
Thứ hai, liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại địa bàn các ấp đặc biệt khó khăn:
Theo quy định, các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại địa bàn các ấp đặc biệt khó khăn thì được giải quyết chế độ chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, như bạn đọc trao đổi, đến ngày 19/9/2013, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-UBDT công nhận thôn, ấp đặc biệt khó khăn thì tỉnh Đồng Nai chỉ còn 2 ấp. Qua nghiên cứu, Sở Nội vụ đã nhận thấy Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc vẫn còn nội dung chưa rõ, nên ngày 17/10/2013, Sở Nội vụ đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc. Do vậy, trong thời gian chờ đợi, Sở Nội vụ đã đề nghị các địa phương tạm dừng chi trả.
Đến nay, Sở Nội vụ đã nhận được ý kiến trả lời của Ủy ban Dân tộc và hiện đang trao đổi ý kiến với Ban Dân tộc, Sở Tài chính triển khai các bước tiếp theo để sớm có văn bản hướng dẫn chính thức việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các ấp đặc biệt khó khăn.
Sở Nội vụ trả lời cho quý bạn đọc rõ việc giải quyết chính sách, trường hợp cần thêm thông tin liên quan đến nội dung giải quyết chế độ chính sách này, quý bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp Thanh tra Sở Nội vụ - 061.3821420 để được giải đáp rõ hơn.”
Trân trọng./.