Quy định biện pháp bán nợ năm 2019
Theo Điều 14 Thông tư 57/2019/TT-BTC (Có hiệu lực ngày 15/10/2019) quy định về biện pháp bán nợ, cụ thể như sau:
*Đối tượng xem xét:
=> Khách hàng gặp rủi ro do một trong các trường hợp sau:
- Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 34/2018/NĐ-CP.
*Điều kiện xem xét:
=> Quỹ bảo lãnh tín dụng được xem xét bán nợ để thu hồi nợ khi:
- Đối tượng xem xét được quy định tại khoản 1 Điều này;
- Khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không có khả năng trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
- Quỹ bảo lãnh tín dụng đánh giá bán nợ là biện pháp hiệu quả hơn so với các biện pháp xử lý rủi ro khác để thu hồi nợ.
*Phương thức bán nợ:
- Bán nợ theo hình thức đấu giá: Quỹ bảo lãnh tín dụng thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Trường hợp bán đấu giá không thành công, Quỹ bảo lãnh tín dụng được xem xét, áp dụng phương thức bán nợ theo thỏa thuận quy định tại điểm b khoản này;
- Bán nợ theo thỏa thuận: Quỹ bảo lãnh tín dụng và bên mua nợ thỏa thuận trực tiếp việc mua bán nợ hoặc thông qua bên môi giới theo nguyên tắc thị trường.
*Xác định giá bán nợ:
=> Theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với bán nợ theo phương thức bán đấu giá được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về định giá khoản nợ trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng.
*Xử lý phần chênh lệch giữa giá bán nợ (sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật) và giá trị sổ sách của khoản nợ:
- Trường hợp giá bán nợ cao hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Phần chênh lệch được bổ sung vào Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan;
- Trường hợp giá bán nợ thấp hơn giá trị sổ sách của khoản nợ: Quỹ bảo lãnh tín dụng sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh bù đắp phần chênh lệch hoặc thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP.
Trên đây là quy định về biện pháp bán nợ của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật