Lao động 34 năm thì có được hưởng chế độ dôi dư hay được nghỉ hưu trước tuổi không?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (trường hợp được nghỉ hưu sớm trước tuổi về hưu), cụ thể như sau:
Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời (từ năm 2019 thì nam 54 tuổi và năm 2020 thì nam 55 tuổi)
2. Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
3. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Theo thông tin anh cung cấp thì anh sinh năm 1961, tức là hiện nay anh 58 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội được 34 năm. Tuy nhiên để được hưởng lương hưu trước tuổi thì anh phải thuộc trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% thì mới đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi.
Về mức hưởng lương hưu trước tuổi nếu đủ điều kiện nêu trên:
Căn cứ Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về mức lương hưu hằng tháng, cụ thể như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 16 của Thông tư này được tính như sau: "lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%", sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Về vấn đề anh được hưởng chế độ dành cho người lao động dôi dư hay không?
Theo quy định về người lao động dôi dư trong công ty nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002, gồm người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại.
Chính sách đối với người lao động dôi dư trong trường hợp này tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản được quy định như sau:
1. Người lao động dôi dư từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu và được hưởng thêm chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi;
b) Trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 50 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (đối với trường hợp nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016), so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đối với trường hợp nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau);
c) Hỗ trợ 01 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.
Theo thông tin anh cung cấp thì công ty hiện tại anh đang công tác đang có kế hoạch chuyển đổi cổ phần hóa, tuy nhiên theo quy định thì anh phải nằm trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại thì mới được hưởng chế độ đối với người lao động dôi dư.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật