Kết hôn để nhập cảnh nước ngoài có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Luật hôn nhân gia đình 2014 thì Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau trong đó có điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn theo đó:
- Kết hôn phải được tiến hành trên cơ sở nguyên tắc luật định nhằm mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Pháp luật không cho phép kết hôn giả tạo, đồng thời đặt ra chế tài xử lý việc này.
Căn cứ Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Bên cạnh đó Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nêu rõ:
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Trong đó, điểm a khoản 2 Điều 5 quy định về một trong các trường hợp cấm kết hôn, đó là kết hôn giả tạo.
Do vậy, trường hợp kết hôn giả tạo nhằm bất cứ mục đích gì đều bị cấm. Việc kết hôn này sẽ bị hủy bởi Tòa án khi có yêu cầu của chủ thể có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định. Như vậy có thể thấy rằng việc kết hôn giả tạo để thực hiện thủ tục nhập cảnh vào nước ngoài là một viêc tiềm ẩn nhiều rủi ro do vậy bạn cần cân nhắc thẩn trọng trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra căn cứ Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự. Theo đó, người kết hôn giả tạo để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài… sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật