Nội dung và mức chi cho hoạt động phòng, chống phong
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 26/2018/TT-BTC thì nội dung và mức chi cho hoạt động phòng, chống phong như sau:
a) Chi mua, sản xuất vật dụng đặc thù để trang cấp cho bệnh nhân phong theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Việc mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp cấp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân phong đa hóa trị liệu tại nhà, ngoài chế độ công tác phí hiện hành: Mức hỗ trợ như sau:
- Đối với bệnh nhân nhóm ít vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 6-9 tháng: 200.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều;
- Đối với bệnh nhân nhóm nhiều vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 12-18 tháng: 400.000 đồng/bệnh nhân/đợt điều trị đủ liều;
c) Bệnh nhân phong thuộc hộ nghèo được hỗ trợ:
- Dụng cụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong bị khuyết tật theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Thông tư này;
- Trường hợp bệnh nhân nạo vét lỗ đáo điều trị tại trạm y tế xã, cơ sở y tế khu vực được hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày, thời gian hỗ trợ không quá 20 ngày;
- Trường hợp bệnh nhân phong bị cơn phản ứng phong nặng hoặc tai biến điều trị được hỗ trợ tiền thuê phương tiện vận chuyển từ nhà đến trạm y tế xã, khu điều trị phong hoặc bệnh viện đa khoa khu vực theo mức chi quy định tại Khoản 13 Điều 4 Thông tư này;
d) Chi thù lao cho người phát hiện bệnh nhân phong mới và giới thiệu hoặc đưa được họ đến cơ sở y tế khám chẩn đoán:
- Bệnh nhân ở xã ĐBKK: 300.000 đồng/bệnh nhân;
- Bệnh nhân ở các xã còn lại: 200.000 đồng/bệnh nhân.
Trên đây là quy định về nội dung và mức chi cho hoạt động phòng, chống phong.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc