Phải làm gì khi không đòi được tiền theo quyết định của Tòa án?
Đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu thi hành án theo thời hiệu thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2015 như sau:
- Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn
Việc yêu cầu thi hành án được thực hiện tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 Luật này. Đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện, việc xác định cơ quan có thẩm quyền thi hành án được quy định tại khoản 1 Điều 35 như sau:
Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có trụ sở;
c) 28 Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở;
d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
Như vậy, với quyết định giải quyết của TAND Huyện ban hành tháng 3/2019, bạn có thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự Huyện để được giải quyết việc thi hành án.
Mặt khác đối với hành vi tẩu tán tài sản của bà T, nếu có căn cứ xác định việc tẩu tán tài sản được thực hiện sau khi có quyết định của Tòa án vào tháng 3/2019 thì việc giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP như sau:
- Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật thi hành án dân sự 2008 :
- Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này. Tùy từng loại tài sản cụ thể mà bà T có, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp theo quy định tại chương IV Luật này.
Đồng thời, theo căn cứ tại Khoản 1 Điều 165 Luật này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, bà T sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật