Hậu quả khi bên nhận khoán tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang chăn nuôi thủy sản
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 102/2014 quy định về xử phạt vi phạm hành chính do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:
“1. Chuyển mục đích sử dụng sang đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 05 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta đến dưới 10 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 10 héc ta trở lên.”
Như vậy, khi hộ gia đình tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản thì đã vi phạm hành chính, dựa vào diện tích đất đã chuyển mục đích trái phép sẽ có mức phạt tiền tương ứng.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2016/NĐ-CP quy định về quyền và trách nhiệm của bên khoán thì bên khoán có quyền:
“e) Được hủy bỏ hợp đồng nếu bên nhận khoán vi phạm hợp đồng khoán hoặc vi phạm pháp luật.”
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2016/NĐ-CP thì bên nhận khoán có nghĩa vụ:
“a) Thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng khoán; chịu sự kiểm tra, giám sát của bên khoán theo nội dung hợp đồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm về khoán.”
Như vậy, trường hợp hộ gia đình nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng nhưng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang nuôi trồng thủy sản là đã vi phạm hợp đồng khoán, bên giao khoán có quyền hủy hợp đồng khoán đối với hộ gia đình này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT về việc thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì giấy chứng nhận kinh tế trang trại bị thu hồi trong các trường hợp:
- Trang trại chấm dứt hoạt động sản xuất;
- Trang trại có diện tích đất sử dụng giảm xuống dưới mức quy định hoặc trong ba năm liền không đạt tiêu chuẩn quy định về giá trị sản phẩm hàng hoá nông, lâm, thủy sản.
Như vậy, trong trường hợp bên giao khoán hủy hợp đồng khoán đối với hộ gia đình này không còn đất trong hạn mức tối thiểu đã đăng ký để nuôi trồng thủy sản, đồng thời hộ gia đình thuộc trường hợp có diện tích đất sử dụng đã giảm xuống mức dưới quy định. Vì vậy, hộ gia đình này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật