Cho thuê trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia xử lý thế nào?

Tôi đang tìm hiểu quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia, có thắc mắc: Trường hợp đơn vị, cá nhân nào đó có hành vi cho thuê trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia, mà tài sản này có giá trị khoảng 700-800 triệu thì xử phạt như thế nào? Những lợi ích từ việc cho thuê xử lý thế nào?

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 3 Điều 49 Nghị định 63/2019/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/9/2019 quy định

Phạt tiền đối với hành vi kinh doanh, cầm cố, thế chấp, cho thuê, khai thác trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia (trừ kho bảo quản hàng dự trữ quốc gia) theo các mức phạt sau:

- Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị dưới 70.000.000 đồng.

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cho thuê trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia.

=> Như vậy, khi có hành vi cho thuê trái phép tài sản thuộc dự trữ quốc gia mà tài sản cho thuê xác định được là từ 700 - 800 triệu thì sẽ bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, những lợi ích thu được từ việc khai thác trái phép phải nộp lại vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào