Có được điều khiển xe trong thời gian bằng lái bị tạm giữ?
Việc cảnh sát giao thông thu bằng lái của bạn được chia thành hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Tước bằng lái
Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Giấy phép lái xe ghi nhận quyền, khả năng, điều kiện điều khiển phương tiện của người được cấp.
Do đó nếu bị thu bằng dưới hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, trong thời gian bị tước giấy phép đó bạn vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện thì sẽ bị xử phạt với lỗi không có giấy phép lái xe.
Trường hợp thứ hai: Tạm giữ bằng lái để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt
Theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính:
- Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.
Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ một số trường hợp.
Khi cảnh sát giao thông tạm giữ bằng lái, bạn sẽ được giao một Biên bản, Quyết định xử phạt ghi nhận bằng lái của bạn bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bạn vẫn được điều khiển phương tiện bình thường và có thể xuất trình tài liệu về việc tạm giữ bằng để tránh bị xử phạt với lý do không có bằng lái.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật