Người cao tuổi có được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí và lệ phí Tòa án không?
Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 quy định miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với đối với người cao tuổi (là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên – Điều 2 Luật Người cao tuổi 2009).
Ngoài ra, người cao tuổi cũng được miễn các khoản tạm ứng lệ phí Tòa án như: lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động.
Nếu các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí này là người cao tuổi thì Tòa án chỉ xem xét miễn, giảm án phí đối với phần mà người cao tuổi phải chịu theo quy định, còn phần án phí mà người cao tuổi nhận nộp thay người khác sẽ không được miễn giảm.
Để được miễn tạm ứng án phí, án phí, lệ phí Tòa án, người cao tuổi phải có đơn đề nghị gửi Tòa án có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn. Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định Hồ sơ đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:
1. Người đề nghị được miễn, giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị quyết này phải, có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm.
2. Đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Về thẩm quyền xét miễn tạm ứng án phí, án phí: Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí. Sau khi thụ lý vụ án thẩm quyền thuộc về Thẩm phán được Chánh Tòa phân công giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật