Tài sản đem thế chấp có được hưởng thừa kế không?
Căn cứ Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định:
- Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Như vậy, nếu bạn là hàng thừa kế thứ nhất hợp pháp của bố bạn thì bạn có quyền hưởng di sản của bố bạn để lại trong khối tài sản chung. Tuy nhiên, Căn cứ theo quy định tại Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 về việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Do đó, trường hợp sau khi bố bạn qua đời nhưng vẫn tồn tại một nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng thì bạn với tư cách người thừa kế sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay trong phạm vi phần di sản mà bạn nhận được.
Mặt khác về hợp đồng thế chấp tài sản sản là quyền sử dụng đất của hộ gia đình:
Tại khoản 29 Điều 3 và Điều 179 Luật Đất đai 2013 quy định:
- Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Tài sản chung chính của hộ gia đình được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015, đó là khối tài sản do các thành viên của cả hộ tạo lập nên trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh tế chung và các tài sản mặc dù thuộc sở hữu cá nhân nhưng có thỏa thuận góp vào khối tài sản chung, hoặc các tài sản được sử dụng vào mục đích hoạt động kinh tế chung. Tài sản chung này bao gồm: quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản chung được tạo thành.
Đối với việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình là quyền sử dụng đất pháp luật quy định phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên hộ gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên. Trường hợp một trong số các thành viên hộ gia đình này không đồng ý thì việc định đoạt các tài sản này phải được thỏa thuận lại hay không thể thực hiện được.
Do đó, trong trường hợp này, nếu bạn chứng minh được tài sản mà bố mẹ bạn đem thế chấp ngân hàng là đất của hộ gia đình và bạn có công tôn tạo cũng như trong gia đình bạn không có văn bản thỏa thuận giữa các đồng sở hữu về việc đồng ý đem tài sản trên thế chấp ngân hàng thì hợp đồng thế chấp được ký kết giữa bố mẹ bạn và ngân hàng có dấu hiệu vô hiệu. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu và chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật