Yêu cầu vợ không được lấy chồng mới thì mới cho đất có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện theo đó:
- Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Căn cứ quy định của pháp luật thì có thể thấy rằng việc chồng bạn trước khi mất yêu cầu bạn không được lấy chồng mới đây là một yêu cầu không phù hợp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của một công dân, là yêu cầu trái pháp luật, do vậy văn bản tặng cho của chồng bạn để lại sẽ không có giá trị về mặt pháp lý.
Trong trường hợp này khi chồng bạn mất thì mảnh đất kia sẽ trở thành di sản và được chia theo quy định của pháp luật theo đó căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do vậy trong trường hợp này nếu bạn và chồng có đăng ký thủ tục kết hôn đầy đủ theo quy định của pháp luật thì bạn là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được chia di sản theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật