Công ty không đóng BHXH cho người lao động thì có phải trả trợ cấp một lần khi tai nạn lao động?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH thì:
"4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này, người sử dụng lao động phải trả chế độ bảo hiểm xã hội thay cơ quan bảo hiểm xã hội cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người sử dụng lao động phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bằng mức quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên."
Theo như bạn trình bày là bạn đã ký hợp đồng với công ty nhưng công ty không đóng BHXH. Do đó, khi bạn bị tai nạn lao động và suy giảm 9% khả năng lao động thì công ty có trách nhiệm bồi thường cho bạn 1,5 tháng tiền lương. Bên cạnh đó còn phải trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần.
Tại Khoản Điểm a Khoản 2 Điều 48 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định:
"2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;"
Như vậy, công ty phải có trách trợ cấp một lần thay cho cơ quan bảo hiểm xã hội: 5 x 1.490.000 + (9 - 5) x 0,5 x 1.490.000 = 10.430.000 đồng
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc