Nghỉ thai sản có được xem là tạm hoãn hợp đồng lao động không?
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật lao động 2012 thì các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:
"1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận."
Tại Điều 156 Bộ luật lao động 2012 quy định:
"Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định."
Như vậy, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền được tạm hoãn thực hiện hợp đồng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2012 thì “hết hạn hợp đồng” là một trong các trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Khi hợp đồng hết hạn, người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận ký tiếp hợp đồng lao động mới hoặc có quyền không ký tiếp hợp đồng lao động.
Khi hai bên không thỏa thuận về việc ký kết hợp động lao động mới thì hợp đồng lao động cũ đương nhiên chấm dứt, cho dù người lao động là lao động nữ đang có thai, nghỉ thai sản hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Do đó, trường hợp người lao động nghỉ chế độ thai sản không phải là trường hợp tạm hoãn hợp đồng (trừ trường hợp theo quy định tại Điều 156).
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc