Đổi tên do coi bói thấy xấu có được không?
Điều 27 và 28 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền thay tên đổi họ tên của cá nhân trong một số trường hợp nhất định
Bên cạnh đó căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 cũng quy định cá nhân được phép thay đổi họ, chữ đệm và tên trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
Căn cứ Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân”.
Như vậy là nếu con bạn thay đổi tên đệm thì đồng nghĩa với việc con bạn phải thay đổi giấy khai sinh cùng toàn bộ các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân của con bạn và việc thay đổi họ, chữ đệm, tên là phải có lý do chính đáng chứ không thể căn cứ vào lời của thầy bói. Con bạn cần tìm một lý do thuyết phục hơn để chứng minh được việc sử dụng tên đệm có thể gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì mới được cơ quan có thẩm quyền đổi họ, tên cho mình.
Việc thay đổi họ tên được thực hiện bằng thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Hộ tịch 2014 cụ thể như sau:
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.
- Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Hồ sơ đăng ký thay đổi họ, tên bao gồm:
- Tờ khai (theo mẫu).
- Bản chính giấy khai sinh của người thay đổi họ, tên.
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên.
Đối với trường hợp thay đổi họ, tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên thì nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi người đó cư trú và đăng ký hộ tịch trước đây.
Sau khi có quyết định cho phép thay đổi họ, tên của cơ quan có thẩm quyền thì căn cứ vào đó để làm thủ tục đổi tên mới trong các giấy tờ liên quan khác.
Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật