Làm thế nào khi đến hạn trả nợ cho ngân hàng không có khả năng trả?
Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên vay, cụ thể như sau:
"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Như vậy, đến thời hạn trả nợ được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng thì bạn phải trả tài sản vay (tiền) cho ngân hàng.
Mặt khác, bạn có thể thỏa thuận lại thời gian thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định, nếu ngân hàng đồng ý thì bạn và ngân hàng ký hợp đồng tín dụng mới hoặc ký hợp đồng sửa đổi hợp đồng tín dụng đã ký giữa bạn và ngân hàng.
Trong trường hợp bạn không thỏa thuận được với ngân hàng về kéo thời gian thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì hết thời hạn thì ngân hàng sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng. Nếu hợp đồng này không có tài sản bảo đảm thì ngân hàng sẽ kiện ra tòa, lúc đó bạn sẽ bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế để thi hành án như là: Kê biên tài sản, khấu trừ vào tiền lương tiền công....
Ban biên tập phản hồi đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật