Nghĩa vụ trông giữ tài sản của chủ quán cafe
Căn cứ Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 quy đinh:
- Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Căn cứ quy định nêu trên thì việc chủ xe gửi xe tại nhà hàng, quán ăn, trường học, điểm trông giữ xe dưới các hình thức có vé gửi xe hoặc theo yêu cầu để xe của chủ cửa hàng, nhân viên cửa hàng… được coi là hợp đồng gửi giữ tài sản dưới hình thức là giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể.
Đối chiếu với trường hợp của bạn có thể thấy bạn đã đỗ xe theo sự chỉ dẫn của nhân viên của cửa hàng, dù không có vé xe nhưng phía cửa hàng café không có yêu cầu hay thông báo về việc khách hàng phải tự bảo quản xe.
Như vậy, trong trường hợp này đã tồn tại quan hệ trông giữ tài sản (xe máy) với hình thức là lời nói và hành vi cụ thể (hướng dẫn để xe).
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 556 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
- Bên gửi tài sản (khách hàng) có quyền: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bên giữ tài sản (cửa hàng café) có nghĩa vụ theo khoản 4 Điều 557 Bộ luật dân sự 2015: “Phải bồi thường thiệt hại, làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Theo đó, trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu cửa hàng bồi thường vì để mất xe.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật