Chó tấn công người khác, chủ bị xử lý ra sao?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định:
- Hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền 600.000-800.000 đồng.
Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại. Cụ thể, tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, theo quy định được viện dẫn nêu trên, chủ sở hữu súc vật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Tuy nhiên, đối với trường hợp súc vật gây thiệt hại cho người khác do người thứ ba có lỗi hoặc súc vật bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật không có trách nhiệm bồi thường.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật