Phân biệt giấy vắng mặt NVQS và giấy NVQS tạm vắng
Trước đây
Tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT quy định: "Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên của nhà trường được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài có thời hạn từ mười hai tháng trở lên, đến ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi nhà trường đặt trụ sở để đăng ký vắng mặt dài hạn cho công dân sẵn sàng nhập ngũ; nếu thời hạn từ ba tháng đến dưới một năm thì đăng ký tạm vắng."
Theo quy định trên thì có thể thấy giấy đăng ký vắng mặt nghĩa vụ quân sự khác với giấy đăng ký tạm vắng nghĩa vụ quân sự. Trong đó:
+ Giấy đăng ký tạm vắng nghĩa vụ quân sự: Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, khi đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên.
+ Giấy đăng ký vắng mặt nghĩa vụ quân sự: Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài có thời hạn từ mười hai tháng trở lên.
Hiện nay,
Tại Khoản 3 Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: "Công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên phải đến nơi đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng; khi trở về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 10 ngày làm việc phải đăng ký lại."
Như vậy, hiện nay pháp luật nghĩa vụ quân sự đã đồng nhất hai đối tượng "công dân đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên" và "công dân được cử đi công tác, học tập ở nước ngoài có thời hạn từ mười hai tháng trở lên" thành một là "công dân đi khỏi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập từ 03 tháng trở lên" thì được cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng.
Tóm lại, hiện nay so với trước đây thì có thể hiểu: Giấy đăng ký tạm vắng nghĩa vụ quân sự và Giấy đăng ký vắng mặt nghĩa vụ quân sự là một.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật