Các phương thức tham gia BHXH tự nguyện năm 2019?
Cơ sở pháp lý:
- Luật bảo hiểm xã hội 2014
- Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Căn cứ quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng được tính bằng công thức sau:
Mdt = 22% x Mtnt
Trong đó:
- Mdt: Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n (khoảng cách giữa 2 mức đóng liền kề là 11.000 đồng/tháng).
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 27.800.000 đồng/tháng).
Mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng, nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng, nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Phương thức đóng BHXH tự nguyện
- Đối với phương thức đóng hàng tháng, hoặc 3 tháng một lần thì người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng vào bất kỳ ngày nào trong các phương thức đóng đã chọn.
- Đối với phương thức đóng 6 tháng một lần thì người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 4 tháng đầu.
- Đối với phương thức đóng 12 tháng một lần thì người tham gia có thể đóng tiền trong thời gian 7 tháng đầu.
- Đối với phương thức đóng một lần cho nhiều năm về sau (tối đa 5 năm, bằng 60 tháng) và đóng một lần cho thời gian còn thiếu (đối với người đã đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 10 năm) thực hiện tại thời điểm đăng ký phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.
Từ ngày 1/1/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ phải đóng phần trách nhiệm đóng BHXH tự nguyện của mình; Cơ quan BHXH có trách nhiệm tổng hợp số tiền Nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia gửi cơ quan Tài chính để chuyển tiền hỗ trợ vào quỹ BHXH.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật