Tổ chức đối thoại để giải quyết khiếu nại thuế tại cơ quan Thuế các cấp
Tổ chức đối thoại để giải quyết khiếu nại thuế tại cơ quan Thuế các cấp được quy định tại Quyết định 878/QĐ-TCT năm 2015 Quy trình giải quyết đơn khiếu nại tại cơ quan Thuế các cấp do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành, cụ thể như sau:
Trên cơ sở báo cáo kết quả xác minh và dự thảo quyết định về việc giải quyết khiếu nại đã được Thủ trưởng cơ quan Thuế phê duyệt, người giải quyết khiếu nại thực hiện tổ chức đối thoại, cụ thể:
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.
Trình tự đối thoại như sau:
B8.1 Chuẩn bị đối thoại
Căn cứ hồ sơ đã được thẩm tra, xác minh; tài liệu, chứng cứ đã được thu thập; Báo cáo kết quả xác minh và hướng giải quyết đã được thủ trưởng cơ quan Thuế phê duyệt để xác định các nội dung cần trao đổi, đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
B8.2 Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan (nếu có) về thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại; người được thông báo có trách nhiệm tham dự buổi đối thoại đúng thời gian, địa điểm và thành phần.
- Thành phần tham dự đối thoại:
+ Người giải quyết khiếu nại hoặc người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại;
+ Người khiếu nại hoặc người đại diện; người bị khiếu nại; người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
+ Người được ủy quyền (nếu có);
+ Luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý (nếu có);
+ Đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;
- Địa điểm tổ chức đối thoại: Trụ sở của người giải quyết khiếu nại; địa điểm tiếp công dân của người giải quyết khiếu nại hoặc tại trụ sở cơ quan Thuế phát sinh vụ việc khiếu nại.
B8.3 Tiến hành đối thoại
1. Kiểm tra thành phần tham dự đối thoại; tư cách tham dự của người khiếu nại; người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý (nếu có). Trường hợp thành phần đối thoại không dự đủ theo thư mời thì việc tiến hành đối thoại do người chủ trì quyết định.
2. Nêu nội dung đối thoại, hướng dẫn các bên tham dự đối thoại cách thức đối thoại để đảm bảo cuộc đối thoại có trật tự và hiệu quả.
3. Nêu kết quả xác minh nội dung khiếu nại và hướng giải quyết.
4. Người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý (nếu có) trình bày ý kiến về nội dung sự việc, kết quả xác minh, kiến nghị giải quyết khiếu nại do người chủ trì đối thoại công bố; trình bày tóm tắt nội dung sự việc, nguyện vọng và nêu rõ các căn cứ pháp lý khiếu nại (đối với người khiếu nại), căn cứ pháp lý đã giải quyết khiếu nại trước đây (đối với người bị khiếu nại); trả lời các câu hỏi do người chủ trì đối thoại, người được giao xác minh, các cơ quan tham dự đặt ra trong quá trình đối thoại.
5. Người giải quyết khiếu nại, đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham dự đối thoại nêu ý kiến;
6. Người chủ trì đối thoại kết luận về nội dung đối thoại và hướng giải quyết.
B8.4. Lập biên bản đối thoại
Việc đối thoại được lập thành biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, nội dung, ý kiến của những người tham gia, những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên (mẫu số 17/KN kèm theo). Biên bản được lập thành ít nhất 03 bản, mỗi bên giữ một bản.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật