Tạm dừng đóng BHXH của người lao động bị tạm giam được quy định ra sao?
Tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, có quy định.
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện như sau:
a) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội;
b) Sau thời gian tạm giam, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.
Trường hợp người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội.
Các trường hợp khác thì việc đóng bù thông qua người sử dụng lao động trên cơ sở tiền đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đảm bảo;
c) Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội;
d) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.
=> Như vậy, theo quy định trên thì thời gian người lao động bị tạm giam sẽ bị tạm dừng đóng bhxh bắt buộc, sau thời hạn bị tạm giam nếu có căn cứ người lao động bị tạm giam là oan sai thì sẽ được người sử dụng đóng bù số tiền bảo hiểm xã hội trong thời hạn bị tạm giam, trường hợp này số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm bạn nhé.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật