Xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển các cấp
Việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển các cấp được quy định tại Điều 7 Quyết định 02/2013/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành và được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 63/2014/QĐ-TTg, cụ thể như sau:
1. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu và chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu từ mức trung bình trở lên phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thẩm định và phê duyệt.
3. Các cảng, cơ sở, dự án tại địa phương phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
4. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) xem xét, phê duyệt. Kế hoạch được phê duyệt phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp trong Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.
5. Các cơ sở, dự án dầu khí ngoài khơi phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, xin ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thẩm định và trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.
6. Các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phải xây dựng Kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực được phân công, trình Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.
7. Các tàu chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150RT trở lên, các tàu khác có tổng dung tích từ 400RT trở lên phải có “Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu”; các tàu biển chở xô chất lỏng độc hại có tổng dung tích từ 150RT trở lên phải có “Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm của tàu do chở các chất lỏng độc hại”. Các Kế hoạch này phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định.
8. Các tàu chở dầu Việt Nam có tổng dung tích từ 150RT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển phải có “Kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển” được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định
9. Chủ tàu phải có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ tàu xảy ra sự cố tràn dầu trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố.
10. Các Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định từ Khoản 1 đến Khoản 9 của Điều này sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thông báo cho các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan về nội dung thực hiện để phối hợp triển khai theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quy định trong Kế hoạch.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật