Trách nhiệm của vụ Pháp chế trong công tác xây dựng văn bản của ngành Tài chính
Trách nhiệm của vụ Pháp chế trong công tác xây dựng văn bản của ngành Tài chính quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quyết định 2670/QĐ-BTC năm 2014 Quy chế phối hợp trong công tác pháp chế giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, cụ thể như sau:
a) Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo lập kế hoạch triển khai soạn thảo các dự án Luật, pháp lệnh, văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh và báo cáo Bộ phê duyệt đề cương hoặc xin ý kiến lãnh đạo Bộ về quan điểm, định hướng, nội dung trước khi tổ chức soạn thảo.
b) Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo trong việc đề xuất thành phần tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo (nếu cần) đối với văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
c) Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo để soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức lấy ý kiến về dự án, dự thảo văn bản theo quy trình về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
d) Tổ chức thẩm định đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 5 Quy chế này và quy định tại Quy chế soạn thảo, ban hành, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính; Cấp ý kiến pháp lý đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Quy chế soạn thảo, ban hành, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính.
đ) Đối với văn bản do Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành:
- Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
- Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; ý kiến Thành viên Chính phủ; ý kiến thẩm tra của các cơ quan có liên quan đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
e) Phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo tham gia chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản; rà soát dự án, dự thảo văn bản đã được Bộ hoặc cấp có thẩm quyền ký ban hành trước khi lưu hành (khi có yêu cầu).
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật