Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án trong giải quyết các vụ án hành chính
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án trong giải quyết các vụ án hành chính được quy định tại Điều 14 Quyết định 286/QĐ-VKSTC năm 2019 quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
1. Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa, tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án và quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Việc trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Luật TTHC và Điều 4 TTLT số 03/2016. Văn bản bàn giao hồ sơ theo Mẫu số 09/HC hoặc Mẫu số 10/HC.
2. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải xem xét việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và của những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án; kiểm tra việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ để lập hồ sơ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 132 Luật TTHC.
3. Khi phát hiện Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Văn bản yêu cầu theo Mẫu số 05/HC.
4. Trường hợp phát hiện có vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị theo Mẫu số 15/HC.
5. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên xây dựng Tờ trình báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án. Người nghiên cứu hồ sơ ký nháy vào cuối mỗi trang và ký, ghi rõ họ tên vào cuối tờ trình. Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện kiểm sát phải có ý kiến vào Tờ trình. Tờ trình theo Mẫu số 11/HC và được lưu vào hồ sơ kiểm sát.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật