Có quyền giữ, không mở lối đi cho hàng xóm không?
Đầu tiên, pháp luật có quy định về quyền đối với bất động sản liền kề.
Điều 245 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).
Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền về lối đi qua như sau:
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi chia làm hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: lối đi vào cổng nhà của bạn là lối đi duy nhất mà hàng xóm bạn khi xây nhà xong chỉ có thể đi qua con đường này. Vậy, gia đình bạn có nghĩa vụ phải chia sẻ lối đi trên cho gia đình người hàng xóm và họ sẽ đền bù lại cho gia đình bạn. Nếu gia đình bạn vẫn quyết tâm không cho hàng xóm mở lối đi cùng thì người hàng xóm đó có thể yêu cầu UBND xã giải quyết. Nếu UBND xã giẩi quyết không được có thể bạn sẽ bị khởi kiện.
- Trường hợp 2: lối đi vào cổng nhà của bạn là không phải lối đi duy nhất mà hàng xóm bạn khi xây nhà xong còn có thể đi bằng con đường khác. Vậy, gia đình bạn có quyền thỏa thuận với gia đình hàng xóm xin lối đi khác và gia đình bạn hoàn toàn có thể giữ lối đi trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật