Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra nhà nước trong hoạt động quản lý thuế
Căn cứ Điều 22 Luật quản lý thuế 2019 có hiệu lực ngày 01/7/2020, quy định:
- Thực hiện thanh tra hoạt động của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đối với kết luận của Thanh tra nhà nước liên quan đến nghĩa vụ thuế phải nộp của người nộp thuế được quy định như sau:
+ Trường hợp Thanh tra nhà nước trực tiếp thanh tra người nộp thuế theo quy định của Luật Thanh tra có nội dung kết luận về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thì Thanh tra nhà nước phải gửi biên bản hoặc kết luận cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thanh tra. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kết luận của Thanh tra nhà nước thì người nộp thuế có quyền khiếu nại kết luận của Thanh tra nhà nước.
+ Trường hợp Thanh tra nhà nước không trực tiếp thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện thanh tra tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì Thanh tra nhà nước gửi bản trích sao có kết luận liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra nhà nước. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, Thanh tra nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, Thanh tra nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
=> Như vậy, theo Luật quản lý thuế thì Thanh tra nhà nước có các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định trên.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật