Quy định về quản lý công trình kiến trúc có giá trị
Công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy định tại Điều 13 Luật kiến trúc 2019 (có hiệu lực ngày 01/7/2020) thì Quản lý công trình kiến trúc có giá trị như sau:
1. Công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
2. Công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị quy định tại khoản 2 Điều này trước khi phê duyệt.
4. Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;
- Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;
- Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;
- Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;
- Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
5. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí đánh giá, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
Trên đây là quy định về quản lý công trình kiến trúc có giá trị.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc