Bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ trong ngành hải quan khi không sử dụng
Bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ trong ngành hải quan khi không sử dụng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Quyết định 498/QĐ-TCHQ năm 2019 về Quy chế quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong ngành Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, cụ thể như sau:
a) Vũ khí, công cụ hỗ trợ khi không sử dụng phải được bảo quản trong kho, nơi cất giữ.
- Kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ phải được bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy, nổ; xây dựng phương án bảo vệ; có nội quy được người đứng đầu đơn vị được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phê duyệt. Kho vũ khí, công cụ hỗ trợ được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an ninh do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Đơn vị phải trang bị tủ bảo quản được làm bằng sắt, thép hoặc vật liệu tổng hợp bảo đảm chắc chắn, an toàn để bảo quản vũ khí, công cụ hỗ trợ.
b) Yêu cầu về kê xếp vũ khí, công cụ hỗ trợ:
- Vũ khí, công cụ hỗ trợ phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng theo từng chủng loại, nhãn hiệu. Các trang thiết bị giống nhau về hình dạng, chủng loại và chất lượng được xếp vào cùng một hòm, hộp; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các hộp, hòm.
- Khi kê xếp, không chồng quá cao các thiết bị lên nhau nhằm tránh trường hợp các thiết bị bên dưới bị méo, bẹp.
- Không xếp chung vũ khí, công cụ hỗ trợ với các loại hóa chất trong cùng một tủ hoặc một nhà kho. Những thiết bị phụ kiện đi kèm phải để trên giá kệ riêng.
- Các loại súng khi đưa vào kho phải tháo rời băng đạn (không còn đạn trong súng). Trường hợp vũ khí, công cụ hỗ trợ và đạn sử dụng cho các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để cùng kho, nơi cất giữ; việc sắp xếp phải độc lập, súng không xếp chung với đạn trong cùng một tủ.
- Mũ chống đạn khi lưu kho sử dụng thùng gỗ để bảo quản. Các mũ phải được bao gói kỹ, có chống ẩm, tách rời nhau; xếp theo phương thẳng đứng, không để chồng, chèn lên nhau hoặc để vật khác đè lên; thùng bảo quản để ở nơi thoáng mát.
- Áo giáp chống đạn khi lưu kho sử dụng thùng gỗ để bảo quản, trong đó: tấm tăng cường phải được bao gói kỹ, có chống ẩm, chống trầy xước, ở giữa các tấm phải lót giấy mềm và phải để tách rời nhau, xếp theo phương thẳng đứng, không để chồng, chèn lên nhau hoặc để vật khác đè lên; tấm giáp chống đạn được cất giữ trong vỏ thân áo phải được bao gói kỹ, chống ẩm tốt, để trong thùng gỗ riêng, không xếp chồng, xếp chèn.
- Định kỳ đảo hòm, hộp chứa đựng vũ khí, công cụ hỗ trợ mỗi năm một lần theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ giữa ra hai bên. Trường hợp hòm, hộp bị hư hỏng phải sửa chữa hoặc thay mới.
c) Định kỳ (tuần, tháng, quý tùy theo điều kiện của đơn vị) tổ chức kiểm tra vũ khí, công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính sẵn sàng chiến đấu, trong đó lưu ý đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ không sử dụng được (do hư hỏng, hết hóa chất hoặc hết hạn sử dụng...) phải báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa chữa hoặc xử lý, thanh lý theo quy định. Trường hợp sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ, đơn vị thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép sửa chữa theo quy định tại Điều 34 (đối với vũ khí) và Điều 60 (đối với công cụ hỗ trợ) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; trình tự, thủ tục lựa chọn đơn vị sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
d) Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, có biện pháp phòng chống han, gỉ, mối, mọt, ẩm, mốc, mất mát, cháy, nổ và các trường hợp nguy hiểm khác đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ; thực hiện vệ sinh trong, ngoài kho, nơi cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật