Phạm tội bị xã hội lên án có được đặc xá?

Cha tôi đã thụ án được trên 1/3 mức án (8 năm, so với mức án 20 năm) và đều được nhận xét tốt mỗi khi xếp loại, nhưng tôi nghe rằng tội của cha tôi không được đặc xá. Cha tôi phạm tội “hiếp dâm trẻ em”, nhưng tôi không thấy văn bản hay thông tin nào cho thấy có phân loại tội phạm khi đặc xá, dù tội của cha tôi tuy nặng và bị xã hội lên án. Xin hỏi việc xét đặc xá là do đơn vị trại giam trực tiếp xét hay do đơn vị nào khác? Khi xét, ngoài những điều kiện như đã nêu có xem xét thêm về con thương binh, liệt sĩ hay gia đình có công với cách mạng không?

 

Điều kiện để được xét đặc xá là:

a) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

b) Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định, nhưng ít nhất là 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn (nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù), ít nhất là 14 năm đối với hình phạt tù chung thân.

c) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

Người có đủ hai điều kiện tại điểm a và c nêu trên có thể được giảm điều kiện về thời gian: ít hơn thời gian quy định tại điểm b khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành hình phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam.

2) Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, huân chương, huy chương kháng chiến, các danh hiệu dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người có thân nhân là liệt sĩ; con của bà mẹ VN anh hùng; con của gia đình có công với nước.

Tuy nhiên, có những trường hợp dù đủ điều kiện quy định trên nhưng không được đề nghị đặc xá nếu:

- Bản án hoặc quyết định của tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác.

- Trước đó đã được đặc xá.

- Có từ hai tiền án trở lên.

- Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

Như vậy ba của bạn thuộc trường hợp có thể được xét đặc xá.

Thủ tục xét đặc xá:

Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện đề nghị đặc xá, thông báo, niêm yết công khai danh sách người được đề nghị đặc xá tại trại giam, trại tạm giam và làm văn bản đề nghị bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét.

Đối với những trại giam thuộc công an cấp tỉnh, quân khu và tương đương, giám thị lập danh sách và báo cáo giám đốc công an cấp tỉnh, tư lệnh quân khu và tương đương để những người này xét duyệt, đề nghị bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét. Danh sách được niêm yết công khai tại trại giam.

Bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị đặc xá, lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.

Hội đồng tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định hồ sơ, danh sách do bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình; lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đặc xá

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào