Mức phí đóng bảo hiểm khi chuyển từ bảo hiểm bắt buộc sang đóng BHXH tự nguyện ?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nếu bạn muốn đóng BHXH tự nguyện thì bạn phải không còn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Về mức đóng BHXH tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 9 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP và Điều 8 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, mức đóng BHXH hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn được tính bằng công thức sau:
1. Mức đóng hằng tháng quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
Mdt = 22% x Mtnt
Trong đó:
- Mdt: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng.
- Mtnt: mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.
Mtnt = CN + m x 50.000 (đồng/tháng)
Trong đó:
- CN: Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời Điểm đóng (đồng/tháng).
- m: Tham số tự nhiên có giá trị từ 0 đến n.
Mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020 mức đóng hằng tháng thấp nhất là 154.000 đồng/tháng; từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 4 năm 2016 mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.060.000 đồng/tháng, từ tháng 5 năm 2016 trở đi mức đóng hằng tháng cao nhất là 5.324.000 đồng/tháng cho tới khi Chính phủ quy định mức lương cơ sở mới.
Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện:
Người tham gia có mã số BHXH: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS).
Trường hợp người tham gia đã được cấp mã số BHXH: Ghi mã số BHXH vào các mẫu biểu tương ứng (không cần kê khai mẫu TK1-TS).
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật