Đèn và dấu hiệu tàu thuyền đánh cá trên biển được quy định ra sao?
Đèn và dấu hiệu tàu thuyền đánh cá trên biển được được quy định tại Điều 26 Thông tư 19/2013/TT-BGTVT quy định việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, cụ thể như sau:
1. Tàu thuyền đang đánh cá khi hành trình hoặc đang thả neo chỉ phải trưng các đèn và dấu hiệu được quy định tại Điều này.
2. Tàu thuyền đang đánh cá bằng lưới vét hoặc một dụng cụ đánh cá khác kéo lê chìm dưới nước phải trưng:
a) Hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía đặt trên một đường thẳng đứng, đèn trên màu xanh lục, đèn dưới màu trắng, hoặc một dấu hiệu gồm hai hình nón quay đỉnh chóp vào nhau, cái nọ đặt cách cái kia trên một đường thẳng đứng;
b) Một đèn cột đặt cao hơn ở phía sau đèn có màu xanh lục chiếu sáng khắp bốn phía. Tàu thuyền có chiều dài dưới 50 mét có thể có hoặc không có đèn này;
c) Khi tàu thuyền còn trớn thì ngoài những đèn quy định tại khoản này còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái.
3. Tàu thuyền đang đánh cá mà dụng cụ đánh cá không phải là lưới vét hoặc một dụng cụ đánh cá kéo lê chìm dưới nước phải trưng:
a) Hai đèn chiếu sáng khắp bốn phía đặt trên một đường thẳng đứng, đèn trên màu đỏ, đèn dưới màu trắng hoặc một dấu hiệu gồm hai hình nón quay đỉnh chóp vào nhau, cái nọ đặt cách cái kia trên một đường thẳng đứng;
b) Khi dụng cụ đánh cá trải trên biển cách xa tàu thuyền trên 150 mét theo mặt phẳng ngang thì phải trưng một đèn trắng chiếu sáng khắp bốn phía hoặc treo một dấu hiệu hình nón đỉnh chóp lên trên đặt ở phía có dụng cụ đánh cá;
c) Khi tàu thuyền còn trớn thì ngoài những đèn quy định tại khoản này còn phải trưng các đèn mạn và đèn lái.
4. Những tín hiệu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này áp dụng cho các tàu thuyền đang đánh cá gần nhau.
5. Tàu thuyền đánh cá, khi không làm nhiệm vụ đánh cá thì không được trưng các đèn hay dấu hiệu quy định tại Điều này mà chỉ trưng những đèn hoặc dấu hiệu quy định cho tàu thuyền có cùng chiều dài.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật