Phân loại thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ

Phân loại thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn! Thủy Tiên - tien*****@gmail.com

Phân loại thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ được quy định tại Điều 5 Thông tư 30/2019/TT-BTC hướng dẫn đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán giao dịch công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành và trái phiếu chính quyền địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, (có hiệu lực 15/07/2019), theo đó: 

1. Thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán có hai (02) loại thành viên giao dịch là thành viên giao dịch thông thường và thành viên giao dịch đặc biệt.

a) Thành viên giao dịch thông thường là các công ty chứng khoán được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận làm thành viên giao dịch. Thành viên giao dịch thông thường được phép thực hiện nghiệp vụ môi giới và tự doanh công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

b) Thành viên giao dịch đặc biệt là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng thương mại được Sở Giao dịch Chứng khoán chấp thuận làm thành viên giao dịch. Thành viên giao dịch đặc biệt chỉ được phép thực hiện mua, bán công cụ nợ cho chính mình tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

2. Kho bạc Nhà nước tham gia thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

a) Kho bạc Nhà nước được thực hiện giao dịch mua trong các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ trên hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán với thời hạn giao dịch mua bán lại tối đa không quá ba (03) tháng và nộp giá dịch vụ giao dịch theo quy định pháp luật. Kho bạc Nhà nước được sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cung cấp.

b) Kho bạc Nhà nước không phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn làm thành viên giao dịch, đăng ký làm thành viên giao dịch, nghĩa vụ của thành viên giao dịch, chế độ báo cáo của thành viên giao dịch, chế độ công bố thông tin của thành viên giao dịch quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 11 và Mục III Chương III Thông tư này.

Trên đây là tư vấn về phân loại thành viên giao dịch công cụ nợ của Chính phủ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 30/2019/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính phủ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào