Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hồ sơ viên chức
Thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hồ sơ viên chức được quy định tại Điều 19 Thông tư 07/2019/TT-BNV quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành, (có hiệu lực ngày 15/07/2019), theo đó:
1. Cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về công tác quản lý hồ sơ viên chức, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý hồ sơ viên chức quy định tại Thông tư này theo thẩm quyền quản lý của mình.
2. Ban hành quy chế quản lý hồ sơ viên chức và hướng dẫn các cơ quan quản lý hồ sơ viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình triển khai, thực hiện thống nhất.
3. Người đứng đầu cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định phân cấp việc quản lý hồ sơ viên chức đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
4. Người đứng đầu cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác quản lý hồ sơ viên chức đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định tại Thông tư này.
5. Người đứng đầu cơ quan quản lý hồ sơ viên chức xem xét, quyết định những nội dung sau:
a) Quyết định lựa chọn người đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ để bố trí làm chuyên trách về công tác báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ viên chức;
b) Tổ chức cho viên chức kê khai; yêu cầu đơn vị sử dụng viên chức thực hiện kiểm tra, xác minh hồ sơ viên chức hoặc tổ chức kiểm tra, xác minh hồ sơ gốc của viên chức khi lập mới do bị hư hỏng, thất lạc hoặc do sửa chữa thông tin trong hồ sơ viên chức;
c) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác minh, sửa chữa những thông tin, tài liệu không thống nhất trong hồ sơ gốc của viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;
d) Thông báo cho viên chức biết kết luận xác minh về các thông tin trong hồ sơ do viên chức tự khai không thống nhất hoặc không chính xác;
đ) Hủy bỏ những tài liệu thừa, trùng lặp, không có nội dung liên quan trong hồ sơ viên chức;
e) Xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với những người có liên quan đến việc sai phạm trong quá trình kê khai, quản lý và bảo quản hồ sơ viên chức theo các quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hồ sơ viên chức. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 07/2019/TT-BNV. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật