Thời gian xóa kỷ luật đối với cán bộ, công chức là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 79 Luật cán bộ công chức 2008, công chức vi phạm quy định của luật cán bộ, công chức cũng như của pháp luật khác có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Trong đó, việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi kỷ luật công chức phải ra quyết định kỷ luật, trong quyết định ghi rõ thời điểm thi hành.
Về thời gian xóa kỷ luật đối với công chức, tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định: Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Cũng theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 34/2011/NĐ-CP thì Hội đồng kỷ luật được người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định thành lập để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, đối với công chức bị xử lý kỷ luật thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực và công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần thành lập Hội đồng hay văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Do đó, chồng chị bị xử kỷ luật năm 2017 đến nay không có bất kỳ vi phạm nào đến mức xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc