Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi như thế nào?
Theo quy định tại Điều 37 Luật chăn nuôi 2018 (có hiệu lực ngày 01/01/2020) thì Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi như sau:
1. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi phải tuân thủ quy định của Luật này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi thương mại sản xuất và lưu hành trong nước bao gồm:
- Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy (nếu có);
- Việc thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi;
- Việc thực hiện ghi nhãn sản phẩn thức ăn chăn nuôi;
- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó tập trung kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu chất chính trong thức ăn chăn nuôi.
3. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, thức ăn truyền thống bao gồm lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:
- Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu;
- Kiểm tra thực tế về số lượng, khối lượng, quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu cảm quan khác của sản phẩm;
- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để thử nghiệm đánh giá sự phù hợp về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
5. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu bao gồm:
- Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng và công bố hợp quy (nếu có);
- Kiểm tra thực tế về quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, cảm quan về sản phẩm;
- Phân tích chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu.
6. Nội dung kiểm tra nhà nước về thức ăn chăn nuôi xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về bao gồm:
- Kiểm tra về nguyên nhân thức ăn chăn nuôi xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về;
- Kiểm tra thực tế về quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, cảm quan về sản phẩm;
- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra chất lượng và an toàn của sản phẩm.
7. Việc xử lý vi phạm về chất lượng thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi tùy theo mức độ vi phạm chất lượng mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
- Xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng theo hình thức cải chính thông tin, tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng, tái xuất, tiêu hủy.
8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Trên đây là quy định về Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc