Phải bồi thường các chi phí đào tạo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Ở trong nội dung câu hỏi ban gửi về, chúng tôi thấy bạn có đề cập đến vấn đề bồi thường chi phí đào tạo khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên bạn không nói rõ các khoản chi phí đào tạo mà công ty đã bỏ ra cho bạn là bao gồm những khoản nào, số tiền là công ty yêu cầu bạn phải trả cho phần chi phí đào tạo đó là bao nhiêu khi chấm dứt hợp đồng; bạn có cam kết sẽ làm cho công ty trong thời gian bao lâu sau khi được đào tạo hay không…??
Vấn đề bạn thắc mắc ở đây là trong nội dung HĐLĐ, phần nghĩa vụ người lao động có điều khoản: "Phải bồi thường các chi phí đào tạo khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ”. Bạn muốn biết trong trường hợp bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì có phải thực hiện cái nghĩa vụ đã cam kết nói trên hay không?
Theo quy định tại điều 23 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ), có quy định trong hợp đồng lao động các bên có thể thỏa thuận về“đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề”.
Tuy nhiên luật không có quy định cho phép người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề. Do đó, việc có bồi thường chi phí đào tạo hay không thì cần phải xét đến việc là bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ có đúng pháp luật hay không?
Đúng như bạn nói vì giữa bạn và Công ty bạn ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn do đó đối chiếu với quy định tại khoản 3 điều 37 của Bộ luật lao động năm 2012 về : Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao đông có quy định rõ: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.
Như vậy đối chiếu với quy định trên, việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng có đúng pháp luật hay không sẽ phụ thuộc vào việc bạn có báo trước thời gian nghỉ cho Người sử dụng lao động biết như luật định 45 ngày hay không?
Trường hợp 1: Nếu bạn đã thực hiện thủ tục nghỉ việc, có đơn xin nghỉ việc và trong đó có báo trước cho Người sử dụng lao động biết về việc bạn nghỉ việc ít nhất 45 ngày trước khi nghỉ việc như luật định thì việc chấm dứt hợp đồng của bạn được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật. Do đó, bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo như đã cam kết.
Trường hợp thứ 2: Nếu bạn đã báo cho Người sử dụng lao động biết và tự ý nghỉ việc khi chưa đủ 45 ngày thì bạn thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt lao động trái pháp luật. Mà theo quy định tại điều 43 Bộ luật lao đồng đã quy định:
Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.
Như vậy nếu bạn vi phạm vào thời gian báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ như theo quy định điều 43 nói trên.
Luật cũng có quy định rõ về chi phí đào tạo tạo khoản 3 điều 62 bộ luật lao động như sau: “ Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”
Tóm lại, nếu bạn đã thực hiện đơn phương chấm dứt lao động đúng pháp luật, đúng với quy định về thời hạn báo trước thì bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo. Nếu bên công ty bạn vẫn kiên quyết yêu cầu bạn bồi thường chi phí đào tạo thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu pháp luật can thiệp.
Thư Viện Pháp Luật