Chứng từ kế toán tiếng nước ngoài có phải dịch ra tiếng Việt?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Kế toán 2015:
- Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán 2015:
- Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
d) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán”.
Khoản 1 Điều 20 Luật Kế toán 2015 quy định: “Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ vào nghiệp vụ xuất nhập khẩu, ngoại thương thì có thể xác định các hóa đơn mà DN đã nêu là các chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật.
Theo đó, căn cứ Khoản 5 Điều 5 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán:
- Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán ra tiếng Việt. Đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của nội dung chứng từ kế toán được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Bản chứng từ kế toán dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài.
Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác của đơn vị kế toán không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi lập báo các tài chính hoặc hạch toán thuế, DN bắt buộc phải dịch các hóa đơn tiếng nước ngoài ra tiếng Việt với các nội dung chủ yếu quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật kế toán 2015 đã nêu trên và phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài. Theo đó, DN cần đối chiếu với các quy định trên để thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật