Quá tuổi nhưng chưa làm chứng minh có bị phạt không?
Theo quy định tại Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, có quy định:
Điều 3. Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân
1- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này.
2- Mỗi công dân chỉ được cấp một Chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng.
Theo quy định trên, thì công dân Việt từ đủ 14 tuổi trở lên không thuộc các trường hợp sau có nghĩa vụ làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân.
Điều 4. Các đối tượng sau đây tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân
1- Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
2- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình.
Và tại Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Có quy định về mức phạt đối với hành vi quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp mới, cấp lại, đổi chứng minh nhân dân;
c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi, tạm giữ chứng minh nhân dân khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
=> Theo quy định trên thì chúng tôi chưa tìm thấy quy định nào về việc xử phạt đối với người chậm hoặc không làm chứng minh nhân dân khi đã đáp ứng các điều kiện theo quy định. Nhưng nếu khi bạn đã đáp ứng đủ điều kiện và không thuộc trường hợp tạm thời chưa được cấp giấy Chứng minh nhân dân mà không xuất trình được giấy chứng minh khi thuộc các trường hợp mà người có thẩm quyền yêu cầu thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt nêu trên.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật