Mua bán 20kg pháo nổ trong dịp tết thì bị xử phạt ra sao?
Hành vi kinh doanh, mua bán pháo là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo đó, hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật hình sự 2015) hoặc Tội buôn bán hàng cấm (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bởi Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017).
Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng và thống nhất đối với các hành vi phạm tội liên quan đến pháo nổ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC.
Theo điểm b và điểm d, phần 1 mục III của Thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn bán hàng cấm. Nếu thực hiện việc mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu.
Căn cứ Khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
- Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;
- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
- Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ 120 kilôgam trở lên.
Như vậy, bạn đối chiếu quy định trên để xác định khung hình phạt dành cho em trai mình.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật