Muốn xóa án tích phải làm sao?
- Theo các điều 64, 65, 66 Bộ luật hình sự, có ba loại xóa án tích là: đương nhiên được xóa án tích; xóa án tích theo quyết định của tòa; xóa án tích trong trường hợp đặc biệt.
Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với những người được miễn hình phạt; người bị kết án không phải về các tội xâm phạm an ninh quốc gia và phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, nếu từ khi chấp hành xong bản án (hình phạt và bồi thường dân sự khác) hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành án, người đó không phạm tội mới trong các thời hạn quy định.
Tòa án quyết định xóa án tích đối với những người bị kết án về các tội quy định tại chương XI và chương XXIV Bộ luật hình sự căn cứ vào tính chất của tội phạm đã được thực hiện, nhân thân, thái độ chấp hành pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án trong các trường hợp quy định.
Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt được áp dụng trong trường hợp người bị kết án có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị với điều kiện người đó đã đảm bảo được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.
Về thủ tục, người đương nhiên được xóa án tích phải liên hệ với tòa cấp sơ thẩm đã xét xử mình. Đương sự phải làm đơn theo mẫu và nộp giấy chứng nhận đã thi hành án xong (cả phần hình phạt và phần dân sự). Tiếp đó là có giấy chứng nhận không phạm tội mới sau khi chấp hành hình phạt tù của công an cấp quận, huyện cùng bản sao hộ khẩu, bản sao chứng minh nhân dân.
Đối với trường hợp được xóa án tích theo quyết định của tòa hay trong trường hợp đặc biệt, đương sự phải làm đơn yêu cầu kèm xác nhận của chính quyền và công an địa phương là không phạm tội mới. Với loại xóa án tích đặc biệt, ngoài các loại giấy tờ trên còn phải có văn bản đề nghị của chính quyền, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án thường trú, công tác. Nếu có thì đương sự kèm theo hồ sơ giấy xác nhận những thành tích nổi bật của mình.
Thư Viện Pháp Luật