Có việc làm mà vẫn lãnh BHTN thì bị xử lý ra sao?
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 53, Điều 54 Luật Việc làm 2013; Khoản 2, Khoản 6 Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP; Khoản 2, Khoản 5 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có việc làm, người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Việc người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm khi đã tìm được việc làm là hành vi vi phạm pháp luật về BHTN. Theo đó, ngoài việc buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận thì người lao động còn bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Sau khi hoàn trả tiền và chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHTN, được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN.
Trường hợp người lao động cố tình vi phạm, không chấp hành quy định của pháp luật, không hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp hưởng sai, không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật