Có thể dùng giấy hẹn khám lại thay giấy chuyển tuyến không?

Bố của tôi đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm y tế huyện. Nay, ông muốn chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai thông qua Trung tâm y tế huyện khác và Bệnh viện đa khoa tỉnh (bệnh viện huyện và tỉnh không thể chữa trị do vượt quá khả năng chuyên môn). Xin hỏi, ông chuyển viện theo quy trình như trên thì có được coi là thông tuyến đúng quy định không? Vì hiện nay Bệnh viện Bạch Mai có giấy hẹn khám lại nhưng vẫn yêu cầu có giấy chuyển viện. Mong Ban biên tập vui lòng tư vấn giúp tôi.

Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT (trừ quy định tại Khoản 6 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT đã được bãi bỏ theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 41 Nghị định 146/2018/NĐ-CP), trường hợp bố của ông đã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm y tế huyện , nhưng khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện khác trong cùng 01 tỉnh là đi khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến.

Trường hợp bố của ông tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác trong trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và giấy chuyển tuyến còn giá trị sử dụng theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì được sử dụng giấy hẹn khám lại mà không cần giấy chuyển tuyến. Cụ thể:

- Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia bảo hiểm y tế phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.

- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia bảo hiểm y tế phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, ông nên đối chiếu với các quy định trên để thực hiện thủ tục hưởng BHYT theo quy định của pháp luật một cách chính xác nhất.

Trên đây là nội dung tư vấn.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào