Hợp đồng ký kết với chi nhánh công ty có phù hợp với quy định của pháp luật?
Tại Khoản 3 Điều 62 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: " Ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc: Tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị phụ thuộc hoặc ký thỏa thuận giao việc với đơn vị được giao để tự thực hiện gói thầu".
Tuy nhiên, căn cứ Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 về khái niệm hợp đồng thì "Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Bên cạnh đó, tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định "Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định".
Đối chiếu với Khoản 1 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 thì " Chi nhánh, văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân".
Từ những cơ sở nêu trên thì doanh nghiệp và chi nhánh của doanh nghiệp không phải là hai bên chủ thể (vì chi nhánh doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân) để tham gia ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc trường hợp thỏa thuận giao việc thì bản chất của nó cũng là một tên gọi của hợp đồng. Dẫn đến khi ký kết thì hợp đồng cơ bản sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật