Thời gian thực hiện gói thầu bao lâu thì được coi là ngắn?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT thì:
- Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có)), phí, lệ phí và thuế.
- Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.
- Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro và trượt giá thì phần chi phí dự phòng trong giá gói thầu sẽ tính bằng không.
Tuy nhiên, việc xác định thời gian thực hiện hợp đồng ngắn đang là vướng mắc đang được rất nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm nhưng chưa có lời giải cụ thể. Và theo như ghi nhận của chúng tôi thì hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể hướng dẫn thời gian thực hiện một gói thầu trong bao nhiêu ngày/tháng/năm thì sẽ được xác định là thời gian thực hiện hợp đồng ngắn.
Do đó: Đối với trường hợp này, bạn vui lòng liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư/ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật