Các cầu thủ bóng đá có phải đi nghĩa vụ quân sự không?
Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định công dân nam đủ 17 tuổi trở lên, công dân nữ có ngành nghề, chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự. Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 cũng quy định người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật thì được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định những trường hợp miễn nhập ngũ như sau:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu các vận động viên, cầu thủ không thuộc một trong các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ nói trên thì vẫn phải nhập ngũ, nếu có lệnh gọi nhập ngũ.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cầu thủ tham dự Olympic Việt Nam đều là những vận động viên có thành tích cao trong thi đấu thể thao. Do vậy, trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản, Hội đồng nghĩa vụ quân sự có thẩm quyền có thể xem xét, đặc cách việc tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ với các vận động viên, các cầu thủ.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân