Không có tên trong sổ đỏ thì có mang đi thế chấp được không?
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì thế chấp tài sản là bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp.
Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Trong giao dịch dân sự, giao dịch vay với ngân hàng, việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là việc bên thế chấp giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ngân hàng giữ.
Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Như vậy, để có thể thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ngân hàng để vay vốn thì phải do chính chủ sở hữu thực hiện (hoặc người đại diện hợp pháp).
Trên thực tế, các ngân hàng đều có quy định khá chặt chẽ, cụ thể về việc kiểm tra quyền sở hữu của người bảo đảm, thế chấp; hơn nữa thế chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đều phải qua công chứng.
Do vậy, về nguyên tắc, việc người con của bác bạn đem sổ đỏ của bố mẹ đi thế chấp ngân hàng là không đúng quy định nên ngân hàng sẽ không chấp nhận đơn vay.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân