Thời hạn cai nghiện bắt buộc khi bỏ trốn
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong các biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau đây:
- Người không có năng lực trách nhiệm hành chính;
- Người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện;
- Phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Theo ghi nhận của chúng tôi theo quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định và không thuộc các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kể trên.
Do đó: Trường hợp chồng bạn là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định và không thuộc các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc kể trên, thì việc Tòa án quyết định bắt buộc chồng bạn đi cai nghiện bắt buộc là phù hợp với quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 221/2013/NĐ-CP thì trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở, thì cơ quan Công an cấp huyện nơi Tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ra quyết định truy tìm.
Trường hợp tìm được người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn mà không tự nguyện chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì bị áp giải đưa trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Khi đó, Thời gian bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Do đó: Việc chồng bạn không chấp hành quyết định của Tòa án mà có hành vi bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nên bị cơ quan công an tổ chức truy tìm và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng.
Như vậy: Trường hợp chồng bạn bị Tòa án buộc đi cai nghiện bắt buộc, nhưng không chấp hành mà bỏ trốn và bị bắt đưa đi cai nghiện bắt buộc thì thời hạn cai nghiện bắt buộc căn cứ vào quyết định của Tòa án, có thể kéo dài từ 12 tháng đến 24 tháng. Thời gian mà chồng bạn bỏ trốn không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật