Những công việc không được thuê lao động nữ
Người phụ nữ có sức lao động cũng như những chức năng sinh lý đặc thù, khác với đàn ông. Vì thế nên nếu người lao động nữ làm một số công việc sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý cũng như sức khỏe của họ. Do đó, pháp luật đã quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ trong một số công việc. Cụ thể:
- Điều 160 Bộ luật lao động 2012, những công việc không được sử dụng lao động nữ bao gồm:
+ Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
+ Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước.
+ Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.
- Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH quy định danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Trong đó, có một số ngành nghề sau:
- Đổ bê tông dưới nước; thợ lặn.
- Nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần).
- Đào lò; đào lò giếng; các công việc trong hầm mỏ (trừ dịch vụ y tế - xã hội và các công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân thủ theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ)…
* Lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được sử dụng làm một số công việc sau đây:
- Các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radiô, đài phát thanh, phát hình và trạm ra đa, trạm vệ tinh viễn thông).
- Tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ kín và nguồn phóng xạ hở; làm việc và tiếp xúc trực tiếp với chất phóng xạ trong các cơ sở hạt nhân; cơ sở chế biến quặng phóng xạ; cơ sở xử lý và quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; cơ sở khai thác quặng có các sản phẩm trung gian hoặc chất thải phóng xạ trên mức miễn trừ; tiếp xúc trực tiếp với dược chất phóng xạ tại các khoa y học hạt nhân hoặc các cơ sở y tế có sử dụng dược chất phóng xạ trong điều trị và khám chữa bệnh.
- Trực tiếp tiếp xúc (bao gồm: Sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng) với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư.
- Trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sữa mẹ.
- Các công việc tiếp xúc với dung môi hữu cơ như: ngâm tẩm tà vẹt, trải nhũ tương giấy ảnh, in hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy láng mỏng, cán ép nhựa phenol, vận hành nồi đa tụ keo phenol.
...
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân